“Biết được chết liền” — phần 2
Hồi xửa hồi xưa, Khổng Tử đã từng dạy rằng: “Tri chi dĩ vi tri. Bất tri dĩ vi bất tri. Thị tri dã.” Có nghĩa là: “Biết thì nói là biết. Không biết thì nhận là không biết. Vậy mới thật là biết.”
Mấy câu nầy, cũng như bao nhiêu câu nói khác của Khổng Tử, đã được người đời sau đem ra phân tách, bàn luận ì xèo hết. Chỉ gồm có 14 chữ vỏn vẹn, tạo thành 3 câu ngắn ngủi, mà chất chứa nhiều hàm ý. Cái câu giữa, theo Phương, mới là “nặng ký” nhất.
Không biết thì nhận là không biết.
Nghe nó cực kỳ đơn giản cứ như là … đang giỡn ấy. Nhưng suy đi gẫm lại thì thấy làm theo điều đó không phải là dễ dàng đâu nhe bà con.
Trên đời nầy, ai cũng thích được những người khác nể nang, tôn trọng mình. Và nhiều người lại tin rằng, để được người khác nể nang, tôn trọng, thì mình cái gì cũng phải giỏi, chuyện gì cũng phải rành, điều gì cũng phải biết. Do đó, họ ngại ngùng không dám nói lên câu “Tôi không biết”, sợ e rằng thiên hạ nghe được sẽ cho là họ dỏm, họ dốt, họ tầm thường như cọng rác ngoài đường.
Thành thử, có quá xá nhiều người, dù chả biết ất giáp mô tê khỉ khô khỉ mốc gì hết, mà cứ nói đại, nói liều, nói hùng hổ văng nước miếng búa xua cứ y như là chuyên gia nói chuyện về lãnh vực chuyên môn của mình vậy. Họ có thể qua mặt một số người trong một số lần, nhưng hổng sớm thì muộn người ta cũng sẽ biết họ chỉ là cái thùng trống rỗng mà thôi.
Nghe Phương đi nè, các bạn hãy tập nói 3 chữ nầy:
“Tôi không biết.“
Yes, chỉ vậy thôi.
Tôi không biết
(Hay nói theo kiểu Nam Kỳ rặc của Phương là “Tui hổng biết“).
Tập đi. Đừng sợ, đừng ngại gì hết. Nếu bạn chưa dám nói lớn tiếng dõng dạc thì cứ nói khe khẽ, nói thì thầm trước cũng được. Thậm chí có nói thầm trong … bụng cũng OK luôn nữa! Sẽ có nhiều lợi ích lắm luôn.
Thứ nhất, khi bạn biết tự giác nhận mình không biết, sẽ có những người nể bạn hơn, trọng bạn hơn, và khoái bạn hơn nữa. Họ nể bạn vì bạn là người can đảm, khí khái, Họ trọng bạn vì bạn thẳng thắn, thành thật. Và họ khoái bạn vì bạn nhún nhường, bình dân.
Ồ, dĩ nhiên cũng sẽ có những người hổng có cảm giác, ấn tượng tốt về bạn khi nghe câu “tôi không biết” của bạn đâu nha. Kệ thây họ, cứ để họ đi quây quần với những người ham văng miểng, mặc xác họ xúm xít ngồi ăn bắp nổ với nhau.
Cái lợi thứ hai của “không biết thì nhận không biết” là cái hành động nầy, cái cách sống nầy, sẽ giúp bạn dễ thành công hơn!
Wait … what???
Hổng phải mình càng rành, càng giỏi, càng nhuần nhuyễn điêu luyện một khả năng, một kỹ thuật nào đó thì mới càng dễ thành công hơn sao? Chớ hổng biết … con mịa … gì hết thì thành công thành ngỗng gì nổi?
Từ từ, đừng nóng, để Phương cắt nghĩa cho nha. Bạn hãy tưởng tượng đi … bây giờ bạn đang cầm trên tay một ly nước đầy ắp. Phương hỏi bạn nè, Phương có thể rót thêm được một chút nước nào nữa vào ly của bạn được không?
Dĩ nhiên là không rồi, đúng chớ? Nếu còn rót thêm nữa thì nước sẽ đổ tràn ra ngoài hết.
Nhưng nếu ly nước bạn cầm trên tay hiện vẫn còn vơi, vậy thì thế nào nè? Phương có thể rót thêm nước vô thoải mái, đúng không?
Đầu óc của chúng ta cũng từa tựa như ly nước vậy. Khi mình cho rằng mình đã biết rành rõi hết trọi 6 câu vọng cổ rồi, thì đầu óc mình sẽ giống như ly nước đầy vậy, không chịu nhận thêm, chứa thêm những thông tin, những kiến thức gì nữa hết. Mình sẽ đóng não, bịt tai, che mắt không thèm học hỏi gì thêm nữa cả.
Còn khi mình chấp nhận mình không biết, hoặc là biết nhưng không biết rành lắm, hoặc biết rõ rồi đó nhưng sẵn sàng đón nhận thêm ý tưởng khác, thì cũng như ly nước còn cạn, tư duy mình sẽ open, đầu óc mình sẽ mở ra để những điều hay ho mới lạ được “rót” vào. Có vậy thì mình mới tiến được chứ, phải không bạn?
Khoảng đâu 4-5 năm trước, cũng có thể lâu hơn nữa, Phương không nhớ rõ thời gian lắm. Lúc đó, cả nhà cửa lẫn chứng khoán ở nước Mỹ đều đang lên ào ào. Tuy vậy, hầu hết bà con lúc đó tiền bạc vẫn còn hơi bết vì rất nhiều người đã mới vừa bị thua một trận “từ chết tới bị thương” trong đợt bong bóng bể mấy năm trước đó. Có một anh chàng kia, bác sĩ hay nha sĩ, dược sĩ gì đó, gọi phone tới Phương. Chàng nầy mới chỉ băm mấy bốn mươi tuổi thôi, mà đã có networth vài triệu bạc rồi. Anh ta khoe là anh ta BIẾT đọc thị trường, nên mấy năm trước đã thừa cơ lúc bong bóng địa ốc bị bể, nhào ra mua cả đống nhà cửa và mặt bằng thương mại với giá cực rẻ. Nhờ vậy mà bây giờ khi thị trường hồi phục lại, anh ta lời quá chừng luôn.
Phương chúc mừng ảnh. Ảnh cám ơn rồi nói tiếp: “Tôi BIẾT rằng cả 2 thị trường stock và real estate lại đang đi vô tình thế bubble mới tinh nữa. Và cũng sắp sửa bể luôn rồi. Tôi sẽ bắt đầu short (đánh xuống) cái S&P 500. Nếu S&P 500 càng lên, tôi sẽ càng short thêm nhiều nữa. Khi bubble bể, tôi sẽ lời bạc triệu trở lên. Lúc đó nhà cửa cũng sẽ xuống rẻ bèo. Tôi lại sẽ nhào ra mua thêm vô mớ nữa. Bởi vậy, tôi muốn Phương hãy chuẩn bị đi nha, để chừng đó Phương đại diện giúp tôi đi kiếm mua real estate ha.”
Anh chàng nầy nói những lời trên với một giọng đầy tự tin, mà là lòng tin chắc nịch chớ hổng phải lòng tin vừa vừa thôi đâu nha, lại còn pha một chút cao ngạo trong đó nữa. Phương nghe là biết liền rằng mình khó lòng lay chuyển được ảnh, nhưng vẫn cố gắng khuyên anh ta rằng hãy cẩn thận đi, rằng thị trường khó mà đoán lắm, rằng thiên hạ hiện tại vẫn còn đang sợ gần chết thì làm sao mà bong bóng hay bong … gân gì cho nỗi.
Nhưng dĩ nhiên ảnh đâu thèm nghe. Bởi vì ảnh BIẾT đọc, BIẾT đoán thị trường mà. Bằng chứng rành rành là ảnh đã kiếm được mấy triệu rồi, không thấy sao? Phương là cái cùi chỏ gì mà anh ta phải lắng nghe Phương chớ? Phương đâu có giàu bằng một góc của anh ta. Còn nữa, cái nghề, cái chức của Phương đâu có chữ “sĩ” nằm trong đó đâu hà.
Ly nước đã đầy tràn. Không rót vô thêm được nữa.
Tiếc rằng Phương đã mất tiêu cái số phone của anh nầy. Chớ hổng thôi Phương đã gọi hỏi thăm ảnh xem mấy cái short positions của ảnh đã “lời” được bao nhiêu rồi. Hy vọng ảnh đã tỉnh ngộ và cover, nhảy ra sớm sớm, chứ hổng thôi với cái bull market dài hơn 10 năm qua thì ảnh chắc phải bán hết trơn nhà cửa họa may mới chịu nổi tiền lổ lả.
Bạn thấy đó, không biết mà cứ tưởng là biết nó tai hại lắm lắm luôn.
Không biết chả có gì là xấu hết.
Không biết mà không chịu nhận là không biết thì mới đáng sợ.
Không biết mà sẵn sàng chịu nhận là không biết thì đã bắt đầu có hy vọng rồi.
Khi ta biết ta biết cái gì, và ta không biết cái gì, và cái gì có thể biết được, và cái gì mà … “biết được chết liền”, thì ta có thể dựa trên mấy cái biết và không biết đó đặng mà vạch ra những hướng đi thích hợp.
Và đó sẽ là đề tài của bài viết tới. Phần 3. Mời bạn đón đọc nha.
Phương BIẾT rằng bạn sẽ thích nó.
Actually … no, I don’t. I don’t know.
Tui hổng biết!

Hay lam Phuong cam on ☺
Cám ơn nhiều!
Thầy Phương nói chuẩn không cần chỉnh luôn ạ