Tội nghiệp thằng bé

“Pity the average investor!”

Đó là câu than thở mở đầu bài viết mới đây nhất của ông Alexander Green, một giám đốc tài chánh và cũng là một nhà văn mà Phương rất thích.

Ông Green đã tội nghiệp cho “người đầu tư trung bình” bởi tại vì:

  • Đầu thập niên trước, họ đã thua tả tơi khi mua ào ạt chứng khoán của mấy hãng internet.
  • Sau đó, họ đã tiếp tục bị “banh xà-rông” vì tin tưởng rằng đầu tư vô địa ốc thì không thể nào thua.
  • Bây giờ, họ lại bị bầm dập thêm nữa với “môn chơi mới” Forex, tức là mua bán ngoại tệ.
 

Phương không biết chính xác cụm từ “người đầu tư trung bình” nầy xuất phát từ đâu, chỉ đoán rằng nó được đặt ra để tương phản với tựa đề cuốn sách nổi tiếng “The Intelligent Investor” (Người Đầu Tư Thông Minh) của ông Benjamin Graham, “sư phụ” của ông Warren Buffett, là nhà đầu tư thành công và giàu có nhất cõi đời nầy.  “Người Đầu Tư Trung Bình” được dùng để ngụ ý ám chỉ những người muốn làm giàu nhưng lại lười học hỏi nghiên cứu, mà còn thiếu kiên nhẫn nữa.  Những người nầy cảm thấy an toàn trong số đông nên thường nhắm mắt chạy hùa theo kiểu cách đầu tư thịnh hành nhất đương thời, không thèm nghĩ suy phân tách lợi hại gì hết.  Vừa cả tin lại mau quên nên họ cứ phạm hoài những lầm lỗi giống nhau.  Hầu hết những người đầu tư trung bình nầy không bao giờ đạt được tới ước mơ giàu sang của họ.

Thú thiệt nha … Phương đã từng là một người đầu tư trung bình, híc híc.  Hồi thiên hạ đổ xô đi mua stock của mấy hãng “dot-com”, Phương cũng đã lấy hết tiền bạc của mình quăng vô theo.  Và mất sạch hết trơn.

Đau đớn, cay cú vì bị mất tiền, Phương và những nạn nhân khác của “dot-bomb” đã thề thốt om sòm là nhất định suốt đời nầy sẽ không thèm đầu tư đầu teo khỉ ráo gì nữa hết.  Nhưng khi địa ốc bắt đầu cất cánh, khi nhà chưa kịp xây đã có người ta xếp hàng dài xin đặt cọc mua để vài tháng sau bán lại kiếm lời cả trăm ngàn, thì … bà con lại động lòng và nhào ra đầu tư tiếp.  Bạn còn nhớ không … lúc đó, đi đâu cũng nghe thiên hạ nói chuyện mua nhà đầu tư (y chang như hồi xưa người ta bàn chuyện chơi stock).  Từ ông chuyên gia tới bà nội trợ đều khoe tôi có 5-7 căn nhà ở những địa danh mà họ còn không biết đánh vần (giống hệt hồi xưa người ta khoe có cả đống stock của những công ty mà họ còn không biết cách phát âm).

Và y hệt như cái bong bóng dot-com đã bể hồi năm 2000-2002, cái bong bóng địa ốc cũng bể theo luôn trong những năm 2007-2008.  Hai cái bong bóng giống nhau quá xá chừng nhưng những người đầu tư trung bình đã không hề nhìn thấy.  Họ quá bận bịu và gắn bó với mơ tưởng trở thành triệu phú qua đêm.

Tuy rằng Phương đã may mắn thoát được cái “đại hạn” real estate bubble đó, Phương lại bị thua xiểng niểng vì mấy cái quyết định đầu tư dở ẹt khác.  Nhưng Phương tin rằng mình chỉ thật sự thất bại khi mình không gắng gượng đứng lên sau khi té ngã.  Miễn sao mình chưa chào thua, miễn sao mình chịu nhìn nhận rằng mình đã “ngu” và chịu học hỏi để khôn hơn … thì mình vẫn còn cơ hội để thành công, để chiến thắng và để làm giàu.

Thất bại không xấu.  Không học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ những lần thất bại đó mới là dở.  Người Mỹ nói rằng “Gạt tôi một lần, xấu hổ phần anh; gạt tôi hai lần, xấu hổ phần tôi” (Fool me once, shame on you; fool me twice, shame on me).  Nếu mình đã thua vì nhẹ dạ, thì hãy đừng tin tưởng vào những hứa hẹn “get rich quick” từ nay.  Nếu mình đã chết vì liều lĩnh, vì tham lam, thì bây giờ hãy kỹ lưỡng lại, hại “đầm đầm” một chút, thà là lời ít mà chắc ăn.  Và nhất là đừng chạy hùa theo đám đông.  Đám đông thường thường sai.  Nếu “quần chúng” mà đúng thì thế giới nầy đã có nhiều triệu phú hơn là cu-li rồi! 

Trong vài năm gần đây, số người nhào ra chơi forex mỗi ngày mỗi đông.  Theo Bank for International Settlements, mỗi ngày có tới $4 trillion được đổi tay (tức là $4,000,000,000,000 lận — hổng biết chữ “trillion” tiếng Việt gọi là gì nữa vì con số nầy quá lớn!)   Thị trường forex mở cửa 24 giờ một ngày, 5 ngày một tuần để phục vụ số người chơi đã và đang gia tăng với tốc độ 37% mỗi năm.  Có nghĩa là tiền chơi và người chơi đã tăng gấp đôi trong vòng chưa tới 3 năm đó các bạn.  Điệu nầy, chơi forex chắc hẳn phải rất “ngon cơm”, rất dễ kiếm chác nên thiên hạ mới chơi đông đảo và chơi mạnh tay như vậy chứ gì?

Không, sự thật hoàn toàn ngược lại.  Dựa trên thống kê mới đây nhất của công ty Gain Capital với trên 64,000 chương mục mua bán lẻ ngoại tệ,  thì mỗi tam cá nguyệt, có từ 72% tới 77% người chơi forex bị thua.  Kinh khủng chưa?  Cứ 4 người chơi thì đã 3 người u đầu sứt trán, vậy mà vẫn có thêm những con thiêu thân mới tiếp tục nhào vô đặng bị nướng tiếp.

Tội nghiệp thay!

Mời bạn để lại comment

%d bloggers like this: