Phi thương bất phú

Phương đang sống ở San Jose, một thành phố có đông người Việt sinh sống nhất ở hải ngoại.  Dân Việt mình ở đây nói chung rất thành công và khấm khá.  Trong cộng đồng người Việt, có đến hằng mấy trăm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, hằng mấy ngàn luật sư, kỹ sư, giáo sư, và còn không biết bao nhiêu những chuyên gia, thương gia, chính trị gia hoặc … chiêm tinh gia khác nữa.  Nhưng nếu bạn hỏi bất cứ người nào rằng ở vòng vòng đây những ai mới thật sự là “đại gia” (tức là giàu sang khét tiếng nhất vùng), thì Phương tin chắc rằng người đó sẽ kể ra toàn là tên của những người đã hoặc đang làm thương mại không thôi.

Yup, “đại gia” chỉ toàn là business people.  Chớ chả phải là doctors, lawyers, professors or engineers — những nghề nghiệp được người mình trọng vọng nhất, được coi là danh giá nhất.

Câu “phi thương bất phú” (không làm thương mại thì không giàu) quả là chính xác!

Nhưng không phải ai ra làm thương mại cũng giàu hết đâu.  Đã có biết bao nhiêu cái business tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa rồi.  Tuy không có số liệu rõ ràng, Phương dám chắc chắn rằng số người làm business thất bại đông hơn rất nhiều so với số người thành công.

Nếu bạn đi làm công cho hãng, chuyện tệ nhất có thể xảy ra là bạn bị đuổi việc, bị cho nghỉ.  Khi đó, bạn vừa có thể được trả tiền bồi thường,vừa có thể xin được tiền thất nghiệp.  Nhưng nếu bạn nhẩy ra làm ăn riêng, tức là self-employed, mà thất bại, thì chẳng những bạn có thể bị mất vốn, phá sản, hư credit, có khi còn bị thưa kiện, mà lại còn không xin được tiền trợ cấp hay lảnh lương thất nghiệp gì hết trọi trơn.

Mặc dù cái “down side” của chuyện làm thương mại khá đáng sợ, vẫn có rất nhiều người mê thích và muốn nhào vô, có lẽ tại vì cái “up side” hấp dẫn quá.  Nầy nhé … ông Tích nhờ mở mấy tiệm bán bánh mì mà giàu sụ.  Bà Tình do có mấy cái hair & nail salon mà phất to.  Cậu Tang dựa vô cái liquor store mà có tiền mua 3-4 cái shopping center và mấy căn nhà trên núi.  Thấy như vậy, không ham sao được?

Dĩ nhiên là không phải ai cũng muốn thành business man hay business woman.  Nhiều người, vì không có khả năng, không có vốn liếng, hoặc chỉ đơn giản là không có … lá gan, chỉ có thể ngồi thèm thuồng, ao ước:  “Phải chi mình có được 1 phần hùn trong lò bánh mì của ông Tích, hay trong cái shop của bà Tình, hay trong tiệm rượu của cậu Tang … thì đời mình đã lên hương rồi.  Thiệt là tiếc quá!”

Thôi đừng tiếc nữa.  Phương có tin vui cho bạn đây.

No no, không phải là ông Tích, bà Tình, hay cậu Tang chịu cho bạn làm partner đâu.  Những người nầy họ đều là chủ của công ty tư nhân, cho nên bạn không thể mua cổ phần, hùn hạp hay chia lời gì với họ hết.

Nhưng bạn ơi, còn biết bao nhiêu công ty khác trên khắp thế giới, đủ tầm cở lớn nhỏ, trong đủ mọi ngành thương mại khác nhau … mà bạn có thể xin hùn vốn, xin “ăn ké” cùng với họ một cách hết sức dễ dàng.  Có những công ty có mức kinh doanh cao hơn tổng sản lượng của những quốc gia nhỏ.  Có những công ty chế đồ quá xá “xịn” khiến thiên hạ phải giăng lều xếp hàng chờ cả đêm để được mua những sản phẩm vừa mới ra lò.  Có những công ty lời mấy tỷ đô-la mỗi năm.  Có những công ty chế tạo thuốc men cứu sống người, ngăn ngừa bệnh. Vân vân và vân vân.  Công ty nào bạn cũng có thể hùn vốn và làm chủ được hết.

Bằng cách mua cổ phiếu của công ty ấy.  Tức là mua “stock” đó bạn.  Khi bạn mua stock của một công ty, tức là bạn đã làm chủ một phần nhỏ của cái công ty đó rồi.  Tuy bạn không đích thân đứng ra mở business, tự mình làm thương mãi, bạn vẫn là “thương gia” một cách gián tiếp như thường.  Và nếu bạn biết “chọn mặt gửi vàng”, tức là biết đầu tư đều đặn tiền của bạn vô những công ty profitable, thì bạn cũng sẽ được chia chát, được hưởng cái phần lời, cái phần lên của những công ty đó.  Và cứ tiếp tục như vậy, từ từ, bạn sẽ giàu.  Có khi còn giàu hơn cả ông Tích, bà Tình, hay cậu Tang nữa kia.

Lúc đó, nghe ai nói câu “phi thương bất phú”, bạn sẽ cười khà khà và phán rằng: “chính xác!”

 

 

 

 

4 thoughts on “Phi thương bất phú”

  1. đính chính câu “Phi thương bất phú” là “Phi thương bất hoạt” nói lên tính linh hoạt khi làm kinh doanh chứ nhiều khi có nhiều nghề không phải làm làm thương gia cũng giàu có như ai, ví dụ như anh Phương đây.

    1. Trần HuyPhương Edward

      Lần đầu tiên Phương mới nghe “Phi Thương Bất Hoạt”, trong khi đã từng nghe “Phi Thương Bất Phú” ít nhất 100 lần rồi. Cho nên Phương vẫn không tin là câu văn của Phương xài cần được sự “đính chính” của anh Phúc đâu 😉

      Ồ, Phương đã và đang làm business man từ mười mấy năm nay rồi. Thậm chí, Phương mở 2 lớp dạy đầu tư cũng là làm thương mại luôn đó anh Phúc ơi.

Mời bạn để lại comment

%d bloggers like this: