Chỉ mới gần đây thôi, Phương học được chữ viết tắt mới FOMO, tức là “fear of missing out”. Tạm diễn Nôm ra là “sợ bị hụt ăn” hoặc là “sợ lỡ chuyến đò”.
Nghe qua định nghĩa của FOMO, có thể nhiều người chẳng thèm quan tâm lắm, có thể nhiều người sẽ bĩu môi “So what? Big deal! Lỡ chuyến đò nầy thì đón chuyến đò khác chớ gì!”
Khoan hãy kết luận vội như vậy … bởi vì cái cảm giác sợ bị hụt ăn, sợ bị thua kém nầy không có đơn giản đâu nha, mà nó dữ dằn lắm đó, dữ khủng khiếp nữa là đằng khác. Xưa giờ, FOMO đã làm ngả nghiên, đảo lộn cuộc đời của hàng triệu triệu người ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới rồi đó bạn ơi!
Một trong những “thành quả” (ơm, chắc phải gọi là “hậu quả” thì mới đúng) nổi tiếng nhất của FOMO là cái trận Tulip Mania, tức là Cơn Điên Hoa Tulip, xảy ra từ khoảng năm 1633 đến 1637. Thời đó, đất nước Hòa Lan rất thịnh vượng, giàu có. Dân chúng từ người bình dân tới giới thượng lưu ai cũng có đồng vô đồng ra rổn rảng. Giàu sang thường đâm ra … rửng mở, người Hòa Lan mới tập tành sưu tầm hoa bướm. Mà dân Hòa Lan lại hết sức mê hoa Tulip, hoa càng đẹp, càng sắc sảo, càng hiếm thì họ càng khoái, càng cưng. Phong trào chơi hoa, sưu tầm hoa càng rầm rộ thì những “củ hoa” (hình dáng giống y như củ hành tây vậy) để trồng cây tulip càng đắc giá. Khi giá lên nhanh thì người không chơi hoa cũng vẫn nhào ra tranh mua củ hoa để bán lại kiếm lời. Có những củ hoa trong một ngày được bán trao tay qua lại cả chục lần, mỗi lần lại lên giá thêm chút xíu. Lúc đó, anh Bảy và chị Tám trước giờ chả bao giờ mua hoa hay bán củ gì hết, thấy người ta kiếm lời dễ quá, sợ rằng mình mà không nhào dzô thì mất mẹ nó cái miếng ăn, bèn lật đật nhảy vội vô cuộc chơi, gào lên “bán cho tôi vài củ với!”
Càng nhiều người nhào vô giành mua, giá củ hoa tulip càng lên vùn vụt. Giá củ hoa tulip càng lên vùn vụt, càng thêm nhiều người nữa nhào vô giành mua.
Khoảng tháng Hai năm 1637, giá củ hoa tulip đã lên tới mức Điên Rồ. Lúc đó, giá một củ hoa tulip thượng hạng là khoảng 10 ngàn guilder. Số tiền nầy đủ để bạn mua một căn nhà vừa rộng vừa đẹp ở ngay giữa thủ đô Amsterdam rồi!
Bạn hãy ngoái lỗ tai rồi nghe lại một lần nữa nè: giá lúc đó của một củ hoa tulip (giống y hệt như củ hành tây) bằng với giá của nguyên một căn nhà “hoành tráng” ở một khu lịch sự sang trong giữa thủ đô!
Dĩ nhiên, sau khi Cơn Điên xẹp xuống, khi người ta tỉnh hồn ra, thì giá của củ hoa tulip chỉ còn bằng với giá một … củ hành thôi!!!
Gần đây hơn, vào những năm 1999-2001, nỗi sợ phải bị đứng chầu rìa đã đẩy người ta giành giật nhau tung tiền ra mua stocks của những công ty dot-com. Sau đó, cũng chính vì sợ bị lép vế, sợ phải nuốt nước miếng dòm miệng người khác ăn, bà con đã hàng loạt đổ xô đi mua nhà “đầu tư” ở những nơi khỉ ho cò gáy. Kết quả ra sao thì chắc bạn rành 6 câu vọng cổ rồi mà…
Còn bây giờ thì sao? Khoảng một năm nay, nhất là trong 2-3 tháng vừa qua, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán inh ỏi về Bitcoin, về Ethereum, Litecoin, Zcash, Dash, Mereno, Ripple … đủ thứ crypto currencies khác nữa. Phương hoàn toàn không đủ trình độ chuyên môn để mà bàn sâu xa về kỹ thuật blockchain, là thứ để tạo ra các loại “tiền” kia. Phương chỉ hiểu rằng loại kỹ thuật nầy có rất nhiều ứng dụng hữu ích, có khả năng giúp chúng ta lưu trữ và quản lý những thông tin, dữ kiện thật lớn.
Nhưng những tiện ích nầy nó có lớn, có bự đến nỗi đồng Bitcoin đã tăng giá vù vù như vầy không:
- Đầu năm 2015, một Bitcoin = 214 USD
- Đầu năm 2016, một Bitcoin = 445 USD
- Đầu năm 2017, một Bitcoin = 998 USD
- Giữa tháng 6 năm 2017, một Bitcoin = 2,457 USD
- Đầu tháng 10 năm 2017, một Bitcoin = 4,395 USD
- Đầu tháng 11 năm 2017, một Bitcoin = 6,750 USD
- Đầu tháng 12 năm 2017, một Bitcoin = 10,860 USD
- Ngày 11 tháng 12 năm 2017, một Bitcoin = 17,178 USD
Chỉ trong vòng mười mấy ngày vừa qua thôi, Bitcoin đã tăng giá khoảng 70% — wow!!!
Những người bênh vực Bitcoin, những người “mê” Bitcoin, họ nói rằng Bitcoin lên như vậy là phải rồi, bởi vì đây là tiền tệ của tương lai, của thời đại mới. Bitcoin sẽ thay thế đồng đô-la, thay thế vàng bạc, bởi vì nó tiện lợi, nó giúp mình thoát khỏi “gông cùm” kiểm soát của chính phủ, giúp mọi người trên toàn thế giới dễ dàng giao dịch với nhau, vân vân …
Có cần phải nói dóc với nhau như vầy không chớ?
Lý do bự nhất, chánh nhất, hùng hồn nhất khiến thiên hạ mua Bitcoin là tại nó lên nhiều và nhanh quá, làm người ta sợ nếu không nhào vô mua sẽ lỡ chuyến xe buýt cuối cùng. Đơn giản vậy thôi! Chớ tiền với tệ cái mốc xì gì! Nếu Bitcoin thiệt sự là TIỀN, vậy bạn làm ơn cho hỏi xem bạn có biết bất cứ một ai trong khoảng thời gian 1-2 năm nay đổ lại, đã dùng Bitcoin để trả cho một món đồ gì mà người đó cần mua không? Có ai xài Bitcoin để đổ xăng, để ăn phở, để mua áo đầm, để trả bill tiền điện, để đóng thuế điền thổ chưa cà?
Còn nữa, tiền tệ trên khắp thế giới được làm ra, in ra bởi chính phủ. Luật lệ cũng được làm ra bởi chính phủ. Tiền Bitcoin và những thứ tiền crypto khác dám đòi cạnh tranh với tiền của chính phủ. Mai mốt chính phủ nổi quạu, chính phủ ra luật cấm xài tiền crypto nữa, hoặc là sẽ đánh thuế thật nặng cho những ai xài tiền crypto … có được không nè?
Đừng có quên rằng chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm trao đổi crypto currency từ hồi tháng 9 năm nay rồi à nhe!
Đọc đến đây, chắc thế nào nhiều bạn cũng sẽ cho rằng Phương là “con khủng long già khằn” không biết thức thời, không chịu tiến bộ. Và rất có thể một số bạn sẽ cười cợt Phương bỏ lỡ cơ hội vàng son để làm giàu lẹ. Có thể bạn sẽ còn “nhá” cho Phương coi những con số tiền lời rủng rà rủng rỉnh mà bạn đã kiếm được nhờ sớm mua vộ một mớ Bitcoin nữa kia.
Nhưng bạn ơi, bạn trật lất rồi, Phương tuy không có “mê” Bitcoin thiệt đó, Phương cũng không có “chê” Bitcoin luôn. Sự thật là mới ngày hôm qua, Phương đã bỏ ra một số tiền nho nhỏ để mua chơi một chút xíu Bitcoin. Có thể nói là Phương đã bị cái FOMO nó làm mình … rạo rực. Cũng có thể nói là Phương biết rằng những cái “bong bóng”, chúng thường lớn bự hơn, nhiều hơn và lâu hơn mức người ta tiên đoán. Và nếu mình có gan, mình cứ nương theo đà lên mà … hưởng xái, chứ ngu gì đứng dòm không. Miễn là phải biết liệu mà nhảy ra liền lập tức khi vừa thấy cái bong bóng có dấu hiệu xì hơi.
Cuối bài, để Phương kể cho cái bạn nghe một cái joke nầy nha.
Thằng nhóc nói với Ba nó: “Ba ơi, sắp tới Noel rồi, Ba cho con xin một Bitcoin nhe.”
Ba trợn mắt: “Cái gì? Một Bitcoin hả? Là $17,138 lận đó! Con có biết rằng $18,395 là nhiều tiền lắm không? Nhưng con còn nhỏ, chuyện gì mà cần tới $16,801 lận vậy?”
Yeah, thế là Thầy mình đã bước lên chuyến đò Bitcoin rồi, chúc Thầy thật nhiều may mắn!!!!
Cảm ơn thầy vì từng lời dặn dò trong bài viết vui, dí dỏm. Chúc thầy và gia đình giáng sinh ấm áp và hạnh phúc, năm mới 2018 mọi sự tốt lành!
Huong
Cám ơn những lời chúc của “Bánh Mì”. Anh đã ráng đọc comment của em bằng giọng Hà Nội có một không hai trong lớp học. Chúc Thanh Hương đã leo lên con đò nào là sẽ thuận chèo mát mái con đò đó nhe 😉
1 cai JOKE rat hay va y nghia , thoi gian se la quyet dinh sau cung do .
Cám ơn Quang. Đúng là thời gian cho cơn sốt Bitcoin nầy sẽ rất khó mà đoán trúng. Có thể vài ba tháng nữa Bitcoin sẽ “banh”, cũng có thể nó sẽ sống dai và lên miết trong suốt 5-10 năm tới nữa. Ai có gan (và có máu) thì cũng nên thử thời vận một chuyến. Những chỉ nơi bỏ vô số tiền mà lỡ có mất mình cũng không đến đỗi quá lao đao.
Cảm ơn Sư Phụ chúc gia đình một mùa lể tràng đầy hạnh phúc và có một cây Bitcoin chưng trong nhà coi đẹp mắt hjjjjj
Hải ơi, em cũng thuộc loại có máu liều, vậy có ngắt ra 5-7 trăm mua chút xíu Bitcoin để thử coi sẽ trúng mánh hay trúng … gió không nè?
Goi loi chao Thay Phuong tu Vietnam xa xoi ,van thuong theo doi va rat thich cac bai giang cua Thay
Cam on Thay
Chào Rosy, ở bển nhớ ăn dùm một tô canh bù ngót thiệt bự nhe. Thèm quá! Cám ơn Rosy theo dõi đọc bài và để lại comment 😉
Em chào Thầy, bài viết hay quá. Em cũng có nghe tin tức nhưng nhớ lúc đi học Option, Thầy có nói sơ sơ về cái bong bóng bitcoin này…em không dám quan tâm vì sợ không kìm chế được lòng tham của mình là chết…thôi trung thành với Stock & Option thôi ah. Good night Thầy. ?
Đọc cái comment của em, anh thích nhất cái câu “sợ không kìm chế được lòng mình là chết”. Ừa, hổng ai biết mình bằng mình, nếu mình tự biết mình … dễ sa ngã, thì tốt nhất là đừng có la cà những nơi có nhiều cám dỗ 😉