Hầu hết tất cả cha mẹ trên cõi đời nầy đều muốn con cái mình khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công. Nhưng tuy rằng tâm ý của nhiều cha mẹ là tốt, những chuyện họ làm lắm lúc đem lại kết quả chẳng tốt tí nào. Thí dụ như có những cha mẹ quá nuông chìu con cái khiến mấy đứa nhỏ trở thành hư hỏng. Ngược lại, có những cha mẹ quá nghiêm khắc, bảo thủ làm con mình cảm thấy tù túng, bị áp chế, khiến con một là trở nên nhu nhược, cam chịu, hai là ngổ nghịch, bất cần. Chuyện nuôi nấng, dạy dỗ con cái hết sức khó khăn, phức tạp, nên khi mình có được những đứa con nên người, thì bạn bè chúc mừng, khen tặng mình rằng “Con hơn cha là nhà có phước!” Còn khi con mình bất hiếu, hổn hào, cà chớn, thì mình chỉ còn nước chép miệng than rằng “Cha mẹ sanh con, trời sanh nết!”
Theo Phương, làm cha mẹ đã là khó, nhưng làm cha mẹ của những đứa con sanh ra và lớn lên ở nước ngoài lại càng khó hơn nữa. Bởi vì mình không ít thì nhiều cũng còn giữ những quan điểm, suy nghĩ, giá trị của người Việt Nam. Trong khi con cái mình tuy cũng da vàng tóc đen, nhưng chúng nó thật sự là Tây con, Mỹ con hết rồi. Từ ngôn ngữ, khẩu vị ăn uống cho tới chuyện học hành, bè bạn, tự do cá nhân, trách nhiệm gia đình, vân vân, thế hệ của mình với thế hệ của mấy đứa nhỏ nhiều khi khác nhau tới 180 độ luôn!
Mới đây, Phương đọc được 1 bài nghiên cứu về chuyện quản lý tiền bạc của thế hệ Millennials, thấy hay hay nên Phương muốn share với các bạn đây. Trước hết, định nghĩa cái đã nha, “Millennials” (còn được gọi là “Generation Y”) là những con em đã được sinh ra từ năm 1982 đến năm 2004, tức là những cháu đang ở tuổi từ 15 tới 37 trong năm 2019 nầy. Định nghĩa nầy nó hơi rộng một chút, thôi thì mình cứ tạm thu nhỏ lại là những em từ 20 đến 33 đi nha.
Theo công ty bảo hiểm và đầu tư Transamerica, thì có đến 67% những em thuộc Thế Hệ Y đã biết để dành tiền cho tương lai hưu trí sau nầy rồi. Đây là một điều rất đáng mừng, vì trong đầu tư, thời gian là bạn của mình, hay nói một cách khác, mình để dành tiền càng sớm thì càng tốt hơn hết sức nhiều. Trung bình, các em bắt đầu để dành tiền vào tuổi 25, hơn hẳn những thế hệ chú bác của các em vì họ tới 35 tuổi mới khởi sự dành dụm lận!
Thú thật là Phương đã ngạc nhiên khi đọc được điều trên. Phương cứ tưởng rằng các em nhỏ sau nầy có được cuộc sống đầy đủ sung túc hơn nên chúng tiêu xài phóng khoáng hơn, ít biết cần kiệm hơn. Nhưng khi suy nghĩ cặn kẽ, thì Phương tin rằng sỡ dĩ con số phần trăm các em dành dụm cao hơn và với tuổi bắt đầu sớm hơn chắc không phải là do các em “giỏi” hơn và “biết lo” hơn đâu, mà là tại ở rất nhiều những nơi làm việc bây giờ, họ đều có những chương trình đầu tư / để dành tiền tự động. Loại thổ biến nhất là 401(k), nhưng còn có thêm cả đống những thứ “employer sponsored retirement plans” khác nữa như là Roth 401(k), 403(b), 457, SIMPLE, SEP, vân vân. Hồi xưa, người nhân viên muốn tham gia những chương trình nầy thì họ phải “opt in”, tức là phải làm giấy tờ xin gia nhập. Còn sau nầy, rất nhiều chỗ đã đổi qua “automatic opt in”; có nghĩa là khi bạn được mướn vô làm việc thì bạn cũng đã được tự động vô những chương trình để dành tiền nầy luôn rồi. Nếu bạn KHÔNG MUỐN để dành tiền cho retirement, thì bạn phải làm giấy tờ để mà “opt out”. Và chính nhờ vào cái sự “cưỡng bức, ép buộc” nầy mà giới trẻ ngày nay mới có được mức để dành tiền cao hơn những thế hệ trước.
OK, cái tin vui là đám con cháu của mình để dành tiền đông hơn và sớm hơn. Tiếc rằng là ngoài cái tin vui nầy ra, Phương còn có thêm 1 cái tin xấu nữa. Đó là đám Millennials khá bị “dị ứng” với thị trường chứng khoán. Họ để quá ít tiền vô stocks, REITs và ETFs, trong khi lại bỏ quá nhiều tiền vô money market và savings accounts. Hai cái thứ sau tuy không bị “lổ vốn” thiệt, nhưng mức lợi nhuận lại quá chừng thấp so với stocks trên đường dài.
Ta hãy hình dung ra 1 cháu trai A và 1 cháu gái B. Cả hai cháu đều đang 25 tuổi và đều mới bắt đầu để dành tiền trong cái retirement account của mình. Hằng năm, mỗi cháu đều sẽ bỏ vô $5,000 và công ty bỏ vô thêm $1,000 nữa, tức tổng cộng là $6,000.
Cháu trai A tin lời đồn rằng “stocks là cờ bạc” nên bỏ hết tiền vô trong mấy cái money market funds cho nó “chắc cú”. Trung bình, mỗi năm cái account của cháu A lời chỉ được khoảng 2.50% thôi (đây là Phương đã “rộng rãi” lắm rồi đó, chứ mấy năm nay money market chỉ lời khoảng 1-2% thôi hà!)
Cháu gái B chịu khó đọc sách vở, hiểu được rằng stocks là một trong những thứ tốt nhất để đầu tư trên đường dài, nhất là khi mình spread tiền ra nhiều công ty trong nhiều ngành khác nhau (tiếng Mỹ gọi là “diversify”). Do đó, cháu B đã allocate tất cả tiền trong tài khoản vô 5-7 cái passive funds khác nhau. Kết quả hằng năm cho cháu B nầy sẽ không đồng đều, có năm lời ít ít, có năm lời rất nhiều, có năm lỗ chút chút, có năm lỗ “sặc máu” luôn lận. Nhưng cháu B không nao núng, hốt hoảng vì cháu hiểu rằng lúc stocks xuống mới là lúc “tuyệt vời” vì tiền mới bỏ vô của mình mua được nhiều shares hơn. Cháu B cũng tin rằng trong hơn 200 năm nay, thị trường stocks của Mỹ đã bị nhiều lần rơi rụng hơn 10-20%, nhưng luôn luôn hồi phục lại và còn tiếp tục lên cao hơn nữa. Trên đường dài, stocks cho mình thắng được từ 9% tới 11% một năm. Mình hãy bảo thủ chút xíu và xài con số nhỏ, tức là 9.00% mỗi năm thôi.
Sau 40 năm làm việc và liên tục để dành tiền, cả 2 cháu A và B đều về hưu ở tuổi 65. Ngày về hưu, cái retirement account của cháu A có được gần $415,000 — không phải là một số tiền nhỏ, nhưng chắc sẽ không đủ đâu vào đâu vì lạm phát và sự mất giá của đồng tiền. Trong khi đó, retirement account của cháu B có được tới trên $2,200,000 lận — nhiều hơn gấp 5 lần số tiền của cháu A.
Đây là một khác biệt dữ tợn, nhất là khi mình nhớ lại rằng cả 2 cháu bắt đầu để dành tiền cùng thời điểm, và bỏ thêm vô cùng một số tiền hằng năm! Không biết tận dụng cái hay cái mạnh của stocks để làm giàu cho mình quả là một mất mát quá bự, quá đáng tiếc!
Phương đã viết ở tuốt phía trên, trong đầu tư, thời gian là bạn của mình. Nếu bạn ở lứa tuổi 50-60 mà chưa từng invest gì cả, bạn sẽ có những khó khăn, bất lợi hơn là so với đám trẻ, đơn giản là bởi vì thời gian của bạn ít hơn. Nhưng người Mỹ có câu “Better late than never”, hay “Thà là trễ còn hơn không bao giờ”, bạn à. Đó là chưa kể, dù cho bạn không được giàu sụ như lòng mình mong muốn đi nữa, bạn vẫn có thể khuyên dạy con cháu mình để giúp tụi nó rủng rỉnh hơn mình đó mà. Con hơn cha là nhà có phước đó bạn ơi!

Hello anh Phương, hôm nay em mới thấy bài viết này. Em vẫn còn nằm trong Generation Y nên em sẽ cố gắng để dành và đầu tư nhiều hơn nửa. Những kiến thức em học được từ anh là vô giá. Cám ơn bài viết của anh.
Hay quá cám ơn Thầy Viết bài hay quá giải thích rất cụ thể .