Tôi có một cái tật xấu đói, cứ mỗi lần đói là tay chân tôi run rẩy, mặt mày xụ một đống, nếu ai nói đụng chạm hay to tiếng một chút là tôi Đốp Lại hay tôi Sinh Sự.
Tôi có một người mẹ thật nhẹ nhàng và chu đáo, vì lẻ đó nên mẹ tôi để ý lo cho tôi từng miếng cơm dù rằng tôi đã 19 tuổi. Gia đình tôi có 8 anh em, ba người anh đã vượt biên, còn lại ba người em gái kế tiếp và một người em trai út. Vào thời gian đó, tôi là con trai lớn và chỉ có tôi đi làm nên mẹ tôi càng để ý và chiều tôi nhiều hơn. Mẹ tôi biết tôi ăn nhiều, xấu đói, và làm thợ mộc khá vất vả. Do đó, cứ buổi chiều tôi tan sở về nhà là mẹ tôi luôn cơm nước sẵn sàng chỉ đợi tôi về là ăn.
Thỉnh thoảng khi tôi về mà chưa có cơm là tôi quạo cọ, cằn nhằn, và trách móc mẹ tôi tại sao giờ này chưa có cơm? Em gái tôi có hỏi hay có nói điều gì với tôi, một là tôi lớn tiếng nạt nộ nó, hai là tát cho nó một cái “nổ đom đóm” một cách vô cớ. Hành động này của tôi không phải chỉ xảy ra một lần mà hầu như lần nào đói mà không có cơm sẵn tôi lại lặp lại hành động này.
Một hôm tôi nằm suy nghĩ và tự hỏi: “Tại sao mình lại đánh em mình chẳng có một lý do gì? Tại sao mình lại cằn nhằn gắt gỏng mẹ khi chưa có cơm? Mang tiếng là đi làm, mà mình chưa bao giờ đưa cho mẹ một xu?” Lúc đó tôi đã nhận ra “Mình làm như vậy là quấy, là sai, là không có lý chút nào cả.”
Sau đó, tôi để ý đi về mà chưa có cơm và nếu em tôi có hỏi gì, tôi trả lời được thì trả lời còn không tôi im, rồi đi thẳng một lèo vào tắm rửa. Tắm xong tôi nằm dài xuống nền nhà gạch bông, lấy tờ báo đọc rồi có khi ngủ luôn đợi cho đến khi nào gọi tôi ăn thì tôi ăn. Tôi làm như vậy khoảng được vài ba tháng thì tự nhiên tôi nhận ra cái tánh xấu đói của tôi nó giảm đi rất rõ rệt.
Chủ đích của tôi “đi tắm và đọc báo như vậy” là để tránh không làm buồn lòng mẹ tôi cũng như không làm tổn thương em tôi một cách vô cớ, chứ không có ý định rèn luyện tính xấu đói. Cũng kể từ đây, tôi khám phá ra rằng: “À thì ra tánh tình của mình có thể rèn luyện được chẳng khác gì mình luyện tập võ thuật hay mình làm việc nhiều thì lâu ngày sẽ điêu luyện nhuần nhuyễn.” Cũng kể từ đây, tôi hoàn toàn Không Tin vào những câu nói như: “Giang sơn dễ đổi, bản chất khó dời” hay “Cái tật lớn hơn cái tuổi” hay “Đánh chết cái nết không chừa”…
Cũng kể từ đây, những tâm tánh xấu xa như ích kỷ, hẹp hòi, nóng nảy, giận hờn, tự cao, kiêu căng, ganh tị, oán thù, tiểu nhân, đê tiện, hèn hạ… Tôi đều để ý và rèn luyện nó bằng cách đè nó xuống. Càng ngày, những tính xấu này nó teo lại và yếu dần, và những tính tốt của tôi càng ngày càng mạnh và béo phì và sau đó nó bộc ra bằng lời nói và hành động.
Tại sao tôi lại ví von tâm tính của tôi teo lại và phì ra? Vì tôi nhận ra tâm tính của tôi có mặt trái và mặt phải, có xấu và có tốt, và gần như là ngang bằng nhau. Cho dù tôi có luyện tập cách mấy, thì những tính xấu xa này không bao giờ biến mất, mà chúng chỉ teo tóp lại, nằm sâu, và ngủ yên trong tận đáy lòng tôi. Những lúc tôi mất cảnh giác, những lúc tôi không tự chủ, là y như rằng, những tính xấu xa này nó bộc lộ liền ngay tức khắc tựa như là một cái air bag hay cái bong bóng vậy. Chẳng hạn như tôi đang thương yêu người đó, nhưng chỉ một câu nói hay một hành động của họ, thì lòng tôi bừng bừng dậy sóng và một nỗi căm hận chỉa thẳng vào người đó và có khi còn không chịu tha thứ nữa.
Cách đây vài năm tôi tình cờ đọc được một đoạn báo trên internet. Chính nó là một lời giải thích làm sáng tỏ sự suy nghĩ về tâm tánh của tôi. Người ta đã ví von như thế này: “Tâm Tính con người giống như Loài Thú Hoang Dã, nó rất dữ tợn và ghê gớm, nó lúc nào cũng chực chờ có cơ hội là vùng lên và lao vào để cắn xé người khác. Nhưng dù nó là một loài thú hoang dã, nếu mình cứ nhốt nó vào lồng, thì lâu ngày loài thú hoang này nó cũng sẽ thuần phục và hiền lành như những thú nuôi trong nhà.”
Phải thú thật, lúc đầu tôi tập đè nén kìm hãm những tính xấu xa tôi thật khó chịu, vì vậy tôi mới thấm thía câu nói của Lục Tài Tử: “Nuốt được Cái Cay Đắng trong Nỗi Đắng Cay mới làm được Hạng Người, trên cả loài người.” Rồi ngày qua ngày, tâm tánh của tôi nó thuần hẳn, thuần đến mức độ vợ tôi phải thốt lên rằng: “Sao anh hiền quá vậy!”
Trong đối thoại hằng ngày, tôi nhận ra khá nhiều người tự hãnh diện cho rằng họ không có tính xấu như ích kỷ, hẹp hòi vân vân… Những người nói như thế, một là họ dối lòng hai là họ chẳng nhận ra họ là ai. Đã là thân phận làm người thì chúng ta hãy chấp nhận sự thật rằng: “Chúng ta, ai cũng đều có tính tốt và tính xấu cả.” Điều khác biệt là chúng nhiều hay ít mà thôi.
Tôi đã nhận ra và chấp nhận sự thật là: “Tính xấu và tốt luôn tồn tại trong Tâm tôi,” nên tôi chưa từng lên án ai một cách quá đáng khi họ mắc phải sai lầm chẳng hạn như một người hiền mà lại giết người, một vị Giám Mục mà mắc phải chuyện tà dâm, hay một người thật thà lại có thể tù tội vì ăn cắp… Tất cả chỉ là mất cảnh giác và mất tự chủ mà thôi.
Và tôi cũng chưa từng quá đỗi ngạc nhiên khi một con người đang tội lỗi lại trở nên thánh thiện bao giờ cả, vì trong lòng họ luôn ẩn dấu một sự tốt lành trong đó. Họ thay đổi được nhanh như vậy là do sự giác ngộ, sự nhận thức, hay sự bừng tỉnh do một hoàn cảnh hay một lực nào đó tác động quá mạnh vào chính đời sống hay con người của họ.
“Tâm là Chủ của Thân.” Làm chủ được Tâm thì sẽ làm chủ được Thân.
Cuối cùng tôi nghiệm ra rằng, tính cách tốt và xấu của con người luôn khởi đầu ở điểm giữa và bằng nhau. Và theo thời gian,
Nếu ai muốn sống theo bản năng thì tính xấu sẽ mập mạp, béo khoẻ, và bị khinh chê. Ngược lại,
Nếu ai để ý và sống theo suy nghĩ thì tính xấu sẽ gầy, ốm, rồi teo tóp lại, thì được nễ trọng.
Bản chất con người được hình thành, chỉ là một sự lựa chọn để sống mà thôi.
Hay quá!
Bài viết hay qúa. Nghe du dương như có tiếng chuông chùa từ xa vọng về. Không biết có phải là thầy mới hạ sơn không hihihihi. Phải công nhận anh Hạnh Ngôn viết hay, lâu rồi mới đọc được bài viết cải tánh dìu tâm rất ý nghĩa. Chúc anh luôn vui khỏe và chia sẻ thêm nhiều cái hay với ACE.