Bài học đầu đời của tôi chỉ vỏn vẹn có hai chữ: “Tại với Bị”
Tôi vẫn thường nghe câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” và tôi hiểu được rằng, bất cứ một chuyện xấu nào xảy ra, tôi phải tự tìm cho ra được nguyên do lỗi lầm là tôi, sau đó tôi mới đi tìm lỗi lầm ở người khác. Nhớ lại ngày còn nhỏ, khi tôi đánh vỡ hay làm hỏng một cái gì trong nhà, ba mẹ tôi la rầy, là y như rằng tôi cũng tìm ra được một vài lý lẻ để nói “Tại cái này Bị cái kia” đễ che đậy lỗi lầm của tôi. Càng lớn, trí tuệ tôi càng cao, thì sự hùng biện những lỗi lầm này thật chẳng chê vào đâu được dù ba mẹ tôi chưa một lần chỉ bảo cho tôi cách tránh lỗi như vậy.
Lớn hơn nữa, tôi để ý và nhận ra hầu như xung quanh tôi, ai cũng biết chạy tội giống tôi, có khi còn tuyệt hơn tôi nữa. Lớn hơn tí nữa, tôi hay tự hỏi: “Tại sao con người ta lại không dám nhận lỗi?” và tôi hoàn toàn đi vào ngõ cụt vì chẳng có lời giải nào thoả đáng cho câu hỏi nầy.
Năm 20 tuổi, tôi đọc cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” trong đó có đoạn thế này: “Trong con người mình có 8 điều ham muốn, mà điều ham muốn mạnh mẽ nhất và khó thoả mãn nhất trong con người đó là: “Muốn mình là người quan trọng nhất và giỏi nhất.” Từ đây, tôi mới nhận ra “Người ta thích đỗ lỗi cho kẻ khác, và người ta không thích nhận lỗi về mình” nó có lý do đặc biệt của nó cả đấy chứ. Vì khi tự nhận là mình sai, chẳng khác nào “Vạch áo cho người xem lưng” để cho thiên hạ biết mình là kẻ ngu đần, mà đã là kẻ ngu đần, thì làm sao thoả mãn được điều ham muốn nhất của lòng người là “Muốn mình giỏi nhất thiên hạ?” Và để giỏi nhất thiên hạ, ta phải đỗ lỗi cho thiên hạ, để thiên hạ trở thành ngu dốt thì ta mới là kẻ giỏi nhất và hoàn hảo nhất chứ?
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài nằm giữa tỉnh Phan thiết và Lầu Ông Hoàng. Sau năm 1975, học xong lớp sáu tôi phải ngừng học vì gia đình tôi phải đi kinh tế mới ở xã Nghị Đức huyện Tánh Linh. Ở kinh tế mới được khoảng 4 năm, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn ở gần nhà bác tôi. Vì nhà tôi cách nhà bác chỉ có một con hẻm nên tôi thường qua chơi và coi bác đóng tủ bàn ghế. Năm tôi lên 17, ba mẹ cho tôi đi học nghề thợ mộc với bác tôi. Bác tôi rất giỏi nghề vì bác đã làm lâu năm, trang trí nội thất, điều hành nhiều người, đã vậy tủ bàn ghế của bác tôi đóng đẹp không thể chê vào đâu được.
Cũng vì bác quá giỏi, nên bác cũng nghĩ tôi giỏi giống bác nên ngày đầu tôi qua học nghề, bác đã đưa cho tôi một cây dài 2 mét và một cái bào, và bảo tôi bào láng cái cây mà chẳng chỉ cho tôi một điều. Nhưng nhờ sự để ý của tôi mỗi lần tôi thấy bác đóng bàn ghế, tôi cũng mài được cái lưỡi bào, gắn nó vào và điều chỉnh tới lui rồi cũng được. Lần đầu tiên tôi bào, tay tôi bị phổng nước, rồi lột da, sau đó là rỉ máu. Thế nhưng tôi vẫn cặm cụi bào, bào tới bào lui làm sao cho nó láng để lấy điểm với bác. Bào láng xong được cái cây thì áo tôi hoàn toàn ướt đẫm vì mồ hôi.
Lòng tôi rộn ràng, hí ha hí hửng đưa cho bác xem hy vọng được một tiếng khen vang dội vì bác không chỉ mà tôi cũng làm được. Bác tôi cầm cái cây lên ngắm tới ngắm lui, trong lúc đầu tôi nghĩ rằng bác sẽ khen nức nở, ai dè câu nói đầu tiên của bác là: “Mày bào cái cây như vậy đó hả?” Theo phản ứng tự nhiên của tuổi mới lớn, của đứa thiếu suy nghĩ, và pha lẫn một một chút tự cao rồi tôi trả lời ngay: “Cháu bào láng vậy mà bác còn chê cái gì nữa.” Tưởng chừng Bác chê tôi là vì bào không láng, nhưng Bác không chê vậy mà hỏi: “Tại sao mày bào cái cây mà nó cong như thế này?” Không chần chừ một giây, tôi trả lời ngay: “Tại cái cây nó cong thì cháu bào nó cong.” Rồi bác cầm cái cây và chỉ thẳng vào mặt tôi và nói: “Này nhé! Không có Tại với Bị gì cả! Mày là thằng thợ, cây nó cong, mày phải làm cho thẳng lại.” Lòng tôi chùng xuống vì không còn lời lẻ nào để biện minh cho cái tay nghề non nớt của tôi. Thế là tôi phải bào lại cái cây nó thẳng theo như lời chỉ dạy của bác tôi. Bài học này nó đã in đậm vào trong trí tôi kể từ đó cho tới tận hôm nay.
Tôi tiếp tục học và làm với bác được một năm thì tôi tròn 18 tuổi. Sau đó, tôi vào xí nghiệp Đồ Gỗ Xuất Khẩu làm để trốn đi bộ đội. Ngày đầu tiên tôi bước chân vào làm, tôi thật sự sợ hãi vì những người cùng nghề với tôi đáng tuổi chú và bác. Họ nhìn tôi với một ánh mắt coi thường rẻ rúng. Có một số bạn trẻ, nhưng họ vẫn là người lớn hơn tôi ít nhất là vài ba tuổi và họ được đào tạo từ trường trung học chuyên nghiệp Thủ Đức.
Ngày này qua tháng nọ, tôi chăm chỉ cần mẫn làm việc, vừa làm vừa suy nghĩ coi có cách nào làm cho nhanh mà không giảm chất lượng. Từng động tác bào, đục, đóng đinh… đều được tôi theo dõi kỹ lưỡng để loại bỏ những động tác không cần thiết. Ba năm sau, tôi được đưa lên làm tổ phó, rồi tổ trưởng. Trong thời gian này, xí nghiệp tôi liên doanh với Pháp. Một năm sau, tôi xin chuyển qua phân xưởng liên doanh để trau dồi nghề nghiệp cũng như có đồng lương khá hơn.
Đúng một năm sau khi tôi làm ở xưởng mới này, ông chủ Pháp đã đến bên tôi và đề nghị tôi làm trưởng xưởng cho phân xưởng thứ hai. Tôi đã từ chối ngay, vì quản lý một phân xưởng không phải dễ đối với tôi vì nó bao gồm đủ thứ như nhân sự, kế hoạch lương bổng, sản xuất, nhập hàng, xuất hàng vân vân… trong lúc trình độ học vấn vào thời điểm đó của tôi chỉ là lớp 10 bổ túc văn hoá. Nhưng ông chủ vẫn giữ ý định đó và đề nghị với tôi đến lần thứ ba, nhưng tôi vẫn từ chối. Ngày trước khi ông về nước, ông lại đề nghị với tôi lần nữa, lần này ổng nói thêm: “Đừng làm tôi thất vọng.” Vì câu nói này mà tôi đã quyết định thử thời vận bằng cách tự động viên rằng: “Mình thử xem sao, nếu làm không được thì trở lại điểm xuất phát của mình là làm công nhân có mất mát gì đâu.”
Chỉ trong vòng có 2 tháng, tôi đã nắm bắt được tất cả mọi công việc, và sau đó phân xưởng đi vào hoạt động bình thường và cứ thế mà đi lên. Phải nói thêm rằng, anh trưởng xưởng trước đã được thay thế bởi tôi cũng là do ông chủ Pháp đưa lên. Anh hơn tôi 10 tuổi, anh là Trưởng phòng kỹ thuật và là một kỹ sư bách khoa rất giỏi. Anh giỏi đến mức độ các kỹ sư khác cũng như người ở phòng ban khác trong xí nghiệp tặng cho anh danh hiệu là “Tự Điển Sống” vì cái gì anh cũng biết, nhưng anh lại thất bại khi không thể quản lý được cái phân xưởng chỉ có 70 người này.
Sự thành công này của tôi so với sự thành công của nhiều người khác thật chẳng đáng gì để nói. Nhưng nếu đem sự thành công này của tôi mà so sánh với những chú, bác, và các anh em trong phân xưởng, đặc biệt là với anh kỹ sư bách khoa, thì tôi cũng có một chút gì đó để tự hãnh diện, vì tôi là người nhỏ tuổi nhất, kinh nghiệm ít nhất, và đặc biệt là trình độ học vấn thấp nhất. Cũng phải nói thêm là tôi leo lên được vị trí trưởng xưởng này vào năm tôi 23 tuổi. Một cái tuổi mà ngay cả sinh viên đại học mới ra trường cũng hơi khó để đạt được.
Tôi tự hỏi, tại sao tôi lại có thể thành công trong một thời gian ngắn như vậy? Tôi tự nghiệm ra rằng, tôi thành công được thứ nhất là nhờ tính cần cù của tôi, thứ hai là nhờ sự siêng năng suy nghĩ của tôi. điều cuối làm cho tôi rút ngắn được thời gian đó chính là: “Những gì tôi làm sai làm trật, tuyệt đối tôi không bao giờ đỗ lỗi Tại ai hay Bị cái gì cả.” Lần nào sai, tôi cũng tự nói “Tất cả là tại tôi.“ Tại tôi dốt, tại tôi chưa học, tại tôi không chịu hỏi, tại tôi chưa tìm hiểu, tại tôi chưa tiên đoán được hết mọi sự việc… Rồi tôi tự mày mò tìm ra những sai sót của tôi cho dù cái sai đó rất nhỏ…
Ngay cả khi nguyên nhân sai lầm đó là một sự rủi ro, tôi cũng vui vẻ và đón nhận nó như là một sự tự nhiên dành cho tôi giống như: “Cái cây đã cong sẵn, mày phải làm cho nó thẳng lại, không có Tại với Bị“
Kể từ khi tôi nhận ra tôi, tôi tự tìm ra và lý giải được những việc sai sót tôi gây ra, tôi không còn “oán đời hay trách người” nữa. Thay vào đó, tôi thầm “cám ơn đời cám ơn người” đã chỉ ra được những lỗi lầm của tôi mà chính tôi không đủ sáng suốt để tự nhận ra như Khổng Tử đã nói: “Biết người là khôn biết mình là sáng.”
Một khi tôi và ai đó đã chỉ cho tôi sai chỗ nào, tôi rất dễ dạy và làm chủ chính con người tôi mà Khổng Tử cũng đã nói: “Dạy người là Thầy, mà dạy mình là Sư Phụ”.
Muốn tiến thân thì phãi biết nhận lỗi, sữa sai. Muốn thành công (trên đường đời) thì phãi thật tế nhị.
Cảm ơn anh Hạnh Ngôn vì bài viết rất hay.
Em đã học ở chia sẻ của anh về sự tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, với chính cuộc sống thành công hay thất bại của bản thân. 1 bài học nữa e học ở anh đó là niềm tin và sự kiên trì nữa. Anh thật hạnh phúc khi có được tất cả các tố chất này.
Chúc anh sức khỏe, thành công và chia sẻ nhiều hơn những trãi nghiệm trong cuộc sống.
“Cái cây nó cong thì kệ cái cây. Mầy là thợ thì nhiệm vụ của mầy là phải bào cho nó thẳng!” Câu chuyện quá hay, anh Hạnh Ngôn ơi.
Rất nhiều người không chịu học hành nghiên cứu gì hết mà cứ nhào ra chơi stock đại. Khi thua tiền thì họ đổ thừa là tại thị trường kỳ cục, tại kinh tế cà chớn, tại tụi insiders, tại đám shorts, tại với bị đủ mọi thứ hết. Xong rồi họ kết luận rằng stock là thứ ma quỉ, là đồ cờ bạc. Và những người mở lớp dạy người khác chơi option, chơi stock như Phương toàn là đồ lường gạt, ba đía.
Từ hồi Phương làm cái website Rủng Rỉnh nầy tới giờ, đã có mấy chục người vô đây chửi bới, phá phách rồi. Tức cười một điều là người nào người nầy đều dấu tên hoặc xài tên giả hết trọi. Họ không biết tự nhận lỗi, không nhận trách nhiệm, cũng không dám nhận tên của mình luôn.
Họ cần đọc bài viết nầy của anh.
Thank you for sharing your wonderful story!
Rat hay